0939227448

BÁNH XÈO MIỀN TÂY

1. Giới thiệu về bánh xèo miền Tây

Bánh xèo là một trong những món ăn đặc trưng của miền sông nước Tây Nam Bộ. Với những nguyên liệu gần gũi, bình dị, bánh xèo mang đến cho du khách một hương vị thơm ngon khó quên và không lẫn lộn với bất kỳ món ăn nào khác.

Ảnh: Nhật Nguyên
2. Cách làm bánh xèo miền Tây

Muốn làm được món bánh xèo đúng vị miền Tây, nguyên liệu cần phải có đó là bột làm bánh xèo, tôm sú, thịt ba chỉ, xà lách, cải canh, rau thơm, giá đỗ, hành lá, cà rốt, cải trắng, hành tây, bột nghệ, hạt nêm, giấm, bột ngọt, muối và nước mắm.

Cách làm ra một chiếc bánh thơm ngon chính là tuân thủ từng bước một. Điển hình như khâu sơ chế, pha bột, làm nhân và đổ bánh đúng kỹ thuật.

Sau khi sơ chế nguyên liệu, phải tiến hành pha bột. Hòa tan nước cốt dừa cùng với nước. Cho bột bánh xèo, bột nghệ, hành lá, hạt nêm, muối vào khuấy đều. Khuấy đến khi nào thấy bột mịn, để thêm 20 đến 30 phút cho bột nở hoàn toàn. Sau đó, thêm gia vị vừa phải.

Tiếp đó là xào nhân bánh cho thật chín, và sau cùng là đổ bánh. Cho dầu ăn vào chảo. Đổ bột vào chảo khi dầu đã sôi. Tráng đều lớp bột bằng cách nghiêng chảo. Thả tôm, thịt, hành tây và giá vào. Khi thấy bánh chuyển sang màu vàng, tiến hành gấp đôi và chiên phần còn lại cho đến khi giòn đều hai mặt. 

Ảnh: Nhật Nguyên
3. Món nước chấm không thể thiếu đối với bánh xèo miền Tây

Để tận hưởng trọn vẹn vị ngon, phần pha nước chấm cũng vô cùng quan trọng. Đây là linh hồn của món bánh, du khách có thể được nếm thử qua những chén nước chấm với công thức riêng của từng địa phương khi đến miền Tây để thưởng thức món bánh này. 

Đặc biệt, món bánh này có thể cuộn trực tiếp với các loại rau sống rồi chấm ngập nước mắm, sau đó là tận hưởng vị ngon của món bánh. Đến với miền Tây, du khách nên một lần thử qua món bánh đặc trưng này, hương vị của nó sẽ khiến bạn nhớ mãi.

VĂN HÓA CHỢ NỔI CỦA MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

1. Giới thiệu về miền sông nước Tây Nam Bộ

Miền Tây là mảnh đất màu mỡ được phù sa quanh năm bồi đắp, với mạng lưới sông ngòi dày đặc. Không chỉ có phong cảnh hữu tình, thơ mộng mà miền Tây còn có những nét văn hóa vô cùng thú vị và đặc sắc, điển hình là văn hóa chợ nổi.

Ảnh: Nhật Nguyên
2. Giới thiệu về văn hóa chợ nổi

Ở miền Tây, vì đa phần là sông nước nên hầu như các địa phương đều có chợ nổi.

Những cái tên như chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp – Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị – Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình – Cà Mau)… luôn là cái tên được nhiều du khách biết đến khi ghé thăm miền Tây. Chợ nổi họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng.

Ảnh: Nhật Nguyên

Chỉ mới 5 giờ sáng nhưng chợ nổi đã đông người mua kẻ bán cùng những du khách đến tham quan. Lúc tinh sương ấy, thư thả ngồi trên chiếc ghe nhỏ len lỏi giữa chợ xem bà con buôn bán và thưởng thức cà phê, ăn sáng ngay trên ghe sẽ mang lại cảm giác vô cùng tuyệt vời.

Ảnh: Nhật Nguyên

Chợ nổi miền Tây phần lớn là buôn bán các sản vật của miền sông nước Tây Nam Bộ, nhưng mỗi chợ có những mặt hàng đặc sản riêng của địa phương mình. Đặc sản của chợ nổi Cái Bè thường thấy như sầu riêng, măng cụt… còn chợ nổi Cái Răng thì lại là các loại rau củ quả như bầu, bí, khoai lang…

3. Mua bán hàng hóa ở chợ nổi

Chợ nổi có một hình thức rao hàng vô cùng đặc biệt, chẳng cần ồn ào nhưng ai cũng biết ghe hàng đó bán những gì. Đó là hình thức “treo bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn các mặt hàng treo trên cây bẹo ngay mũi ghe là biết chủ ghe bán bhững hàng hóa gì. Đây là một nét riêng biệt và độc đáo chỉ bắt gặp ở các chợ nổi miền Tây.

Ảnh: Nhật Nguyên
4. Ý nghĩa của chợ nổi

Qua bao thế hệ, chợ nổi vẫn luôn là nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước và đang ngày càng phát triển, hội nhập với xu thế ngày nay. Dù cho trôi qua bao năm đi chăng nữa, văn hóa chợ nổi vẫn luôn tồn tại và phát triển.