1. Giới thiệu về miền sông nước Tây Nam Bộ
Miền Tây là mảnh đất màu mỡ được phù sa quanh năm bồi đắp, với mạng lưới sông ngòi dày đặc. Không chỉ có phong cảnh hữu tình, thơ mộng mà miền Tây còn có những nét văn hóa vô cùng thú vị và đặc sắc, điển hình là văn hóa chợ nổi.

2. Giới thiệu về văn hóa chợ nổi
Ở miền Tây, vì đa phần là sông nước nên hầu như các địa phương đều có chợ nổi.
Những cái tên như chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp – Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị – Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình – Cà Mau)… luôn là cái tên được nhiều du khách biết đến khi ghé thăm miền Tây. Chợ nổi họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng.

Chỉ mới 5 giờ sáng nhưng chợ nổi đã đông người mua kẻ bán cùng những du khách đến tham quan. Lúc tinh sương ấy, thư thả ngồi trên chiếc ghe nhỏ len lỏi giữa chợ xem bà con buôn bán và thưởng thức cà phê, ăn sáng ngay trên ghe sẽ mang lại cảm giác vô cùng tuyệt vời.

Chợ nổi miền Tây phần lớn là buôn bán các sản vật của miền sông nước Tây Nam Bộ, nhưng mỗi chợ có những mặt hàng đặc sản riêng của địa phương mình. Đặc sản của chợ nổi Cái Bè thường thấy như sầu riêng, măng cụt… còn chợ nổi Cái Răng thì lại là các loại rau củ quả như bầu, bí, khoai lang…
3. Mua bán hàng hóa ở chợ nổi
Chợ nổi có một hình thức rao hàng vô cùng đặc biệt, chẳng cần ồn ào nhưng ai cũng biết ghe hàng đó bán những gì. Đó là hình thức “treo bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn các mặt hàng treo trên cây bẹo ngay mũi ghe là biết chủ ghe bán bhững hàng hóa gì. Đây là một nét riêng biệt và độc đáo chỉ bắt gặp ở các chợ nổi miền Tây.

4. Ý nghĩa của chợ nổi
Qua bao thế hệ, chợ nổi vẫn luôn là nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước và đang ngày càng phát triển, hội nhập với xu thế ngày nay. Dù cho trôi qua bao năm đi chăng nữa, văn hóa chợ nổi vẫn luôn tồn tại và phát triển.