Từ bao đời nay, nón lá luôn là biểu tượng của nét đẹp dịu dàng, đôn hậu và mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc nón lá được tạo thành bởi những đôi tay khéo léo của các thợ lành nghề. Nó luôn hiện diện trong đời sống hằng ngày và cả trong thi ca, trong những bài hát, làn điệu dân ca và trên cả sân khấu.
1. Nón lá trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam
Nón lá là vật dụng quen thuộc của các bà, các chị trong công việc hằng ngày. Làm đồng, cấy lúa, đi chợ…tất cả đều gắn liền với chiếc nón lá mộc mạc.

Nón che nắng, che mưa cho những người phụ nữ lam lũ sớm chiều để chăm lo cho gia đình, sự sờn cũ xuất hiện trên những chiếc nón được sử dụng lâu ngày. Nó âm thầm lặng lẽ hiện diện trong cuộc sống của người dân và trở thành vật dụng không thể thiếu.
2. Nón lá trong những làn điệu dân ca
Không chỉ xuất hiện trong đời thực, nón lá còn được đưa vào những bài hát, những làn điệu dân ca để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt.
EM ĐI TRÊN CỎ NON
“Em đi trên cỏ non mọc ôm đôi bờ đường đê
Em che nghiêng nón lá chân rụt rè qua nhịp cầu tre…”
Hình ảnh người phụ nữ được thể hiện qua 2 câu hát, với sự xuất hiện của chiếc nón bài thơ làm toát lên nét đẹp dịu dàng của người con gái thôn quê. Nón lá là biểu tượng đặc trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam.

3. Nón lá trong thi ca
QUÊ HƯƠNG
“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che”
Nón lá còn xuất hiện trong thi ca với nét đẹp tần tảo của người phụ nữ. Hình ảnh người mẹ sớm hôm lam lũ nuôi con với chiếc nón gắn liền với đời sống thôn quê mộc mạc. Dù là trong đời sống hay trên bất kỳ phương diện nào, nón lá luôn thể hiện được nét đẹp lao động, dịu dàng, phóng khoáng của người phụ nữ Việt Nam.
4. Nón lá trên sân khấu
Nón lá còn được mang lên những sân khấu lớn để trình diễn. Những cô gái với trang phục áo bà ba và chiếc nón lá đã trở thành biểu tượng của cái đẹp, được bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi về văn hóa Việt Nam cũng như nét đẹp của người phụ nữ Việt.

5. Ý nghĩa của chiếc nón lá
Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng thông thường mà còn là nét đẹp của văn hóa Việt, là biểu tượng đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, và sẽ còn tồn tại mãi dù cuộc sống có nhiều biến đổi.