0939227448

TỤC ĂN TRẦU CỦA NGƯỜI DÂN NAM BỘ

MỜI TRẦU

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá bạc như vôi.

(Hồ Xuân Hương)

Tục ăn trầu là một tập tục có từ lâu đời của người dân Việt Nam, nó là một nét văn hóa đặc trưng và mang nhiều ý nghĩa. Ở Nam Bộ, tục ăn trầu của người dân có những điểm tương đối giống với các vùng, miền khác, nhưng vẫn có nét văn hóa riêng biệt trong đời sống của người dân nơi đây.

1. Văn hóa mời trầu

Trầu cau đi vào đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ và sinh ra rất nhiều nguyên tắc ứng xử với nhiều ý nghĩa khác nhau. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, đây có lẽ là câu nói dân gian quen thuộc với mỗi chúng ta, ngụ ý rằng trao nhau miếng trầu để mở lời làm quen, để giãi bày câu chuyện. Từ đó, tình cảm thêm đượm nồng, khắng khít.

Ảnh sưu tầm
2. Dụng cụ dùng để ăn trầu

Vì vai trò văn hóa của tục ăn trầu nên có những dụng cụ đặc biệt gắn liền với tập tục này. Thường thấy nhất là dùng cơi trầu để cất giữ các vật liệu. Cơi thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy. Có nơi dùng âu trầu (còn gọi là ô) làm bằng kim loại, dáng như một cái vại có chân. Ngoài ra còn có bình vôi đặt ở chỗ tiếp khách để người ăn trầu dùng khi têm trầu.

Ảnh: Trần Hải

Người già yếu răng không ăn trầu được thì có cối giã trầu bằng kim loại để nghiền nát miếng trầu cho dễ ăn. Nếu khách là người ở tuổi trung niên, có thể nhai miếng trầu trực tiếp và tận hưởng hương vị cay, thơm của miếng trầu. Tục ăn trầu cũng tạo ra bã trầu nên ống nhổ đã xuất hiện, loại ống nhổ này thường được những nhà giàu có đặt ở chỗ tiếp khách để đựng bã trầu.

Bà cụ đang giã trầu. Ảnh: Wikipedia
3. Văn hóa trầu cau trong các lễ cưới, hỏi

Ngoài việc dùng để mời khách, cúng ông bà…trầu cau còn xuất hiện trong các lễ cưới, hỏi của đa số người dân Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Trầu cau thể hiện sự thủy chung của tình yêu đôi lứa, là mong muốn được gắn kết bạc đầu.

Ảnh: Tuyết Nhi
4. Văn hóa ăn trầu trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ

Hình ảnh miếng trầu trở nên vô cùng quen thuộc với đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ và đại đa số người dân Việt Nam. Là một trong những yếu tố cấu thành nền văn hóa Việt, ẩn chứa triết lý sâu sắc.

Ăn trầu không chỉ đơn thuần là một tục lệ hằng ngày, mà nó mang những ý nghĩa tinh thần vô cùng sâu sắc đối với người dân Nam Bộ nói chung và người dân Việt Nam nói riêng.

BÀI HÁT “CHIẾC ÁO BÀ BA” VÀ NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ MIỀN TÂY NAM BỘ

CHIẾC ÁO BÀ BA

Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ tới mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…
(Trần Thiện Thanh)

“Chiếc áo bà ba” có lẽ là bài hát gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người, đặc biệt những người con của vùng đất Tây Nam Bộ. Lời bài hát đi sâu vào tiềm thức của mỗi người, là món ăn tinh thần của một thời khó khăn nhưng ấm áp.

1. Sơ lược về bài hát “Chiếc áo bà ba”

Bài hát được sáng tác vào năm 1984 bởi nhạc sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh. Đây là bài hát ca ngợi về vẻ đẹp mỹ miều của người phụ nữ miền Tây thời ấy.

2. Nét đẹp kiên cường của người phụ nữ miền Tây qua lời bài hát

Ai từng nghe qua bài hát kinh điển này cũng sẽ nhớ da diết câu từ cũng như giai điệu của nó. “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm”, hình ảnh chiếc áo bà ba trên sông được tác giả ẩn dụ đưa vào bài hát một cách tài tình. Chúng ta dễ dàng hiểu được rằng đó là hình ảnh của người phụ nữ miền Tây với chiếc áo bà ba thướt tha lướt đi trên con sông được tác giả khắc họa vào bài hát của mình theo hướng mơ mộng hơn.

Ảnh: Nhật Nguyên

“Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ tới mong manh”, nếu ở trên là hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trên dòng sông lớn, thì ở đây tác giả cho chúng ta thấy được sự lam lũ, chịu khó của những người phụ nữ miền Tây. Họ là những người chân yếu tay mềm nhưng chăm chỉ, tháo vát. Họ sẵn sàng làm đủ mọi việc để gia đình họ có được cuộc sống sung túc hơn, đó là nét đẹp lao động, nét đẹp đơn sơ và giản dị nhưng toát lên được sự kiên cường của người phụ nữ xưa.

Ảnh: Nhật Nguyên
3. Nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ miền Tây qua lời bài hát

“Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ

Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”

Hình ảnh người phụ nữ lần nữa được tác giả nhắc đến một cách rõ ràng và cụ thể hơn. Nét đẹp dịu dàng, đằm thắm xuất hiện với mái tóc dài và với chiếc nón lá, vật đặc trưng của người dân Nam Bộ xưa và nay. Có lẽ người phụ nữ đẹp nhất là khi trong trang phục áo bà ba, chính nét đẹp yêu kiều đó khiến tác giả phải viết nên bài hát này để ca ngợi.

Ảnh: Tuyết Nhi

Và địa danh Hậu Giang được tác giả nhắc tới là một địa danh nổi tiếng của vùng đất phù sa, nổi tiếng bởi sự thủy chung cũng như nét đẹp bình dị của nó.

Thơ sưu tầm

Dân dã đời thường như chính tình em
Người con gái Hậu Giang ngày đêm chung thuỷ
Áo bà ba sống đời thường bình dị
Thương anh rồi sẽ yêu chỉ anh thôi.
4. Nét đẹp người phụ nữ miền Tây thời nay

Phụ nữ miền Tây thời nay vẫn mang một vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm vốn có. Không khó khăn để chúng ta bắt gặp những bà, những chị, những thiếu nữ khoác trên mình chiếc áo bà ba quen thuộc và làm việc, sinh hoạt trong bộ trang phục đó.

Chiếc áo bà ba bao đời nay vẫn luôn gắn liền với nhiều thế hệ, tôn vinh nét đẹp dịu dàng xen lẫn kiên cường của người phụ nữ miền Tây ngày ấy và bây giờ.

Ảnh: Tuyết Nhi
5. Ý nghĩa của bài hát “Chiếc áo bà ba” trong đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ

Bài hát là một phần ký ức của bao thế hệ, là bài hát ca ngợi về vẻ đẹp của người phụ nữ và lan truyền thông điệp đó một cách rộng rãi đến với mọi người. Và bài hát vẫn luôn trường tồn cùng thời gian, là một nét đẹp văn hóa, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Tây Nam Bộ.