Tây Nam Bộ là nơi có nhiều văn hóa đa dạng và độc đáo. Cưới hỏi ở miền Tây cũng có những nét đặc sắc riêng biệt, ít nhầm lẫn với các vùng miền khác. Sự độc đáo trong văn hóa cưới hỏi xuất phát bởi địa lý, lối sống và tính cách của người dân nơi đây.

1. Lễ rước dâu trong đám cưới miền Tây
Đối với đa số các đám cưới ở vùng miền khác, cô dâu thường được rước về nhà chồng bằng xe hoa, nghi lễ tổ chức rất trang trọng.
Còn ở miền Tây, vì địa hình mạng lưới sông ngòi dày đặc, lễ rước dâu có thể thay thế xe hoa bằng những chiếc ghe chạy máy được trang trí rất đẹp. Ngoài ra, hình ảnh cô dâu đi qua cầu khỉ là bình thường ở nơi đây, bởi lẽ từ nhỏ cô dâu đã quen với cuộc sống ở miền sông nước này.

2. Trang trí đám cưới ở miền Tây
Thường đám cưới sẽ được trang trí lộng lẫy với những vật dụng và đèn nhiều màu sắc, cổng cưới hoành tráng. Còn ở miền Tây, cổng và rạp cưới có thể được làm bằng tre, lá dừa, lá chuối… tạo nên sự đặc biệt và kỷ niệm khó quên trong ngày trọng đại.

3. Nghi lễ quan trọng trong đám cưới miền Tây
Sau khi tiến hành các giai đoạn, nghi lễ quan trọng nhất đối với người miền Tây là nghi lễ lên đèn. Cặp đèn long phụng được chú rể mang đến nhà cô dâu và cùng nhau thắp lên, ra mắt chàng rể với tổ tiên nhà gái, cầu chúc một cuộc hôn nhân viên mãn, hạnh phúc.

4. Những kiêng kỵ về ẩm thực trong đám cưới miền Tây
Miền Tây nổi tiếng có nhiều món ăn đặc trưng, nhưng không phải món nào cũng có thể chiêu đãi trong ngày cưới.
Đám cưới người ta không sử dụng các món như canh chua, canh đắng, cá lóc nướng và món mắm mặc dù chúng đều là đặc sản ở đây. Bởi lẽ những món ăn đó sẽ gợi lên sự đắng cay, chua chát và hôi hám, đen đủi không may mắn cho ngày vui.
5. Ý nghĩa của đám cưới miền Tây
Cưới hỏi ở miền Tây là một trong những nét văn hóa đặc sắc, là nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của miền Tây Nam Bộ. Nếu có thể, các bạn hãy một lần đi dự đám cưới miền Tây để cảm nhận được trọn vẹn cái tình, sự hào sảng, phóng khoáng của những người con miền Tây sông nước.